Contents
I. Trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế theo quy định của pháp luật Việt Nam
Khoản 1 Điều 42 Bộ Luật lao động 2019 ghi nhận cụ thể như thế nào được xem là trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế:
Các trường hợp được coi là thay đổi cơ cấu, công nghệ:
“a) Thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động;
b) Thay đổi quy trình, công nghệ, máy móc, thiết bị sản xuất, kinh doanh gắn với ngành, nghề sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động;
c) Thay đổi sản phẩm hoặc cơ cấu sản phẩm”.
Các trường hợp sau đây được coi là vì lý do kinh tế:
“a) Khủng hoảng hoặc suy thoái kinh tế;
b) Thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước khi cơ cấu lại nền kinh tế hoặc thực hiện cam kết quốc tế”.

II. Cho thôi việc theo trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế
Theo khoản 11 Điều 34 Bộ Luật lao động, trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế là một trong những lý do người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc. Tuy nhiên, để bảo vệ người lao động trước những tình huống doanh nghiệp không thực sự có nhu cầu tái cơ cấu, hay không vì lý do kinh tế nhưng vẫn cho người lao động nghỉ việc, khi này quyền lợi hợp pháp của người lao động sẽ bị ảnh hưởng. Do vậy, pháp luật đã quy định một quy trình cho người lao động nghỉ việc trong các trường hợp trên. Doanh nghiệp và người lao động nên chú ý để tự bảo vệ quyền lợi của mình.
III. Quy trình, thủ tục
Khi doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu, công nghệ mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động, hay trường hợp vì lý do kinh tế mà nhiều người lao động có nguy cơ mất việc làm, phải thôi việc thì người sử dụng lao động phải xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động căn cứ theo điều 44 Bộ luật Lao động 2019:
*Riêng đối với trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ thì phải ưu tiên đào tạo lại người lao động cũ nếu có chỗ làm việc mới.
Bước 1: Xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động
“1. Phương án sử dụng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Số lượng và danh sách người lao động tiếp tục được sử dụng, người lao động được đào tạo lại để tiếp tục sử dụng, người lao động được chuyển sang làm việc không trọn thời gian;
b) Số lượng và danh sách người lao động nghỉ hưu;
c) Số lượng và danh sách người lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động;
d) Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động, người lao động và các bên liên quan trong việc thực hiện phương án sử dụng lao động;
đ) Biện pháp và nguồn tài chính bảo đảm thực hiện phương án.
Bước 2: Trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động là thành viên và thông báo trước 30 ngày cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và cho người lao động.
Bước 3: Thông báo chấm dứt hợp đồng lao động và ra Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động.
Trong trường hợp buộc phải cho thôi việc thì người sử dụng lao động phải trả cho người lao động trợ cấp mất việc theo quy định tại Điều 47 của Bộ Luật lao động.
IV. Doanh nghiệp cần lưu ý những gì?
Để tránh trường hợp cho người lao động nghỉ việc trái pháp luật, Doanh nghiệp không được bỏ qua bất kỳ thủ tục nào vì điều này có thể dẫn đến một rủi ro pháp lý cho người sử dụng lao động trong tương lai.
Nếu người sử dụng lao động xây dựng Phương án sử dụng lao động thì cần chú ý đến tình hình thay đổi cơ cấu, công nghệ hay vì lý do kinh tế đã phù hợp với tình hình thực tế của công ty mình hay chưa? Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần xây dựng phương án chi tiết cho tất cả người lao động bị ảnh hưởng bởi sự tái cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế trên, tránh để thiếu nhất quán so với thực tế.
Doanh nghiệp cũng nên lưu ý vấn đề ưu tiên đào tạo lại người lao động để tiếp tục sử dụng khi có chỗ làm việc mới trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ. Trong thực tế, nhiều doanh nghiệp chỉ giới thiệu vị trí khác cho người lao động và bỏ qua bước tổ chức đào tạo người lao động, đây có thể là rủi ro pháp lý trong một vụ kiện lao động.
Trên thực tế, doanh nghiệp và người lao động có thể cùng nhau thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động trước khi quyết định thực hiện thủ tục trên để tránh các tranh chấp pháp lý không mong muốn.
Để tiết kiệm thời gian tìm hiểu các thủ tục, điền form mẫu, công chứng, chờ đợi nộp hồ sơ, các bạn có thể liên hệ HT để được tư vấn và hỗ trợ về Luật Lao động.
Liên hệ với chúng tôi
- Email: hue.truong@htlaw.vn
- SĐT: +84 935 439 454.