Contents
I. Khái niệm “Đất bị lấn chiếm”
– Không có khái niệm nào quy định khái niệm “đất bị lấn chiếm”. Tuy vậy hành vi lấn và chiếm đất được quy định tại Điều 3 Nghị định 102/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai như sau:
“1. Lấn đất là việc người đang sử dụng đất tự chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất.
2. Chiếm đất là việc sử dụng đất mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc việc sử dụng đất do được Nhà nước giao, cho thuê nhưng hết thời hạn giao, cho thuê đất không được Nhà nước gia hạn sử dụng mà không trả lại đất hoặc sử dụng đất khi chưa thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.”
Như vậy, khái niệm đất bị lấn chiếm có thể được hiểu là đất đai thuộc quyền sử dụng hợp pháp của một cá nhân, tổ chức nhưng bị người khác sử dụng trái phép bằng hành vi lấn đất hoặc chiếm đất.
II. Căn cứ đòi lại đất bị lấn chiếm
– Căn cứ theo Khoản 1 Điều 170 Luật Đất đai 2013: “Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất,…”, người sử dụng đất có nghĩa vụ sử dụng đất đúng ranh giới thửa đất. Hành vi lấn và chiếm đất được coi là hành vi xâm phạm vào ranh giới thửa đất, vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của cá nhân khác. Căn cứ theo khoản 1 Điều 12 Luật đất đai 2013 quy định về những hành vi bị nghiêm cấm trong việc sử dụng đất đai:
“1. Lấn, chiếm, hủy hoại đất đai.”
– Như vậy hành vi lấn chiếm đất đai bị coi là hành vi cấm và không được thực hiện. Việc thực hiện hành vi lấn, chiếm đất có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 1.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng tùy vào loại đất và hành vi lấn, chiếm căn cứ theo Điều 10 Nghị định 102/2014/NĐ-CP.
– Ngoài ra, cũng theo cơ sở pháp lý trên, người có hành vi lấn chiếm đất phải thực hiện việc trả lại đất đã lấn, chiếm và khôi phục lại tình trạng đất như ban đầu.

III. Các biện pháp đòi lại đất bị lấn chiếm
– Căn cứ theo khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai 2013, “Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai”. Từ định nghĩa này có thể thấy việc đòi lại phần đất bị lấn, chiếm được coi là một tranh chấp về đất đai về quyền sử dụng.
– Có nhiều biện pháp để đòi lại phần đất bị lấn hoặc chiếm, tuy vậy, biện pháp đầu tiên cần phải áp dụng khi giải quyết một tranh chấp đất đai là biện pháp hòa giải căn cứ theo Điều 202 Luật Đất đai năm 2013:
“2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.”
– Nếu hòa giải không thành khi một trong hai bên hoặc cả hai bên không đồng ý hoặc không thực hiện kết quả hòa giải thì bên bị lấn, chiếm đất có thể thực hiện việc khởi kiện ra Tòa án theo quy định tại Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015:
“Điều 26. Những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
…
2. Tranh chấp về quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản.
….”
– Như vậy, khi xảy ra việc tranh chấp đất liên quan đến hành vi lấn hoặc chiếm đất, người bị xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình có thể hòa giải và thực hiện việc khởi kiện ra Tòa để yêu cầu người xâm phạm chấm dứt hành vi trái pháp luật và phục hồi nguyên trạng cho mảnh đất.
Để tiết kiệm thời gian tìm hiểu các thủ tục, điền form mẫu, công chứng, chờ đợi nộp hồ sơ, các bạn có thể liên hệ HT để được tư vấn và hỗ trợ về Luật Đất đai
Liên hệ với chúng tôi
- Email: hue.truong@htlaw.vn
- SĐT: +84 935 439 454.