HT law

KHÁI QUÁT VỀ CHẾ ĐỘ TÀI SẢN CỦA VỢ VÀ CHỒNG THEO THỎA THUẬN VÀ ĐIỀU KIỆN CÓ HIỆU LỰC

Kể từ thời điểm Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có hiệu lực thì bên cạnh chế độ tài sản luật định thì còn tồn tại một chế định song song là “Chế độ tài sản của vợ chồng theo thoả thuận”.

Theo đó, chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận tuy chưa được nhà làm luật ấn định khái niệm nhưng có thể hiểu nó là tập hợp các quy tắc điều chỉnh quan hệ tài sản giữa vợ và chồng trong thời kỳ hôn nhân.

Về thời điểm xác lập: Phải được lập trước khi đăng ký kết hôn.

Về thời điểm có hiệu lực: Có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký kết hôn.

Về hình thức: Hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực.

II. Nội dung cơ bản của chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận

Căn cứ theo Điều 48 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản bao gồm:

a) Tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng;

b) Quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình;

c) Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản;

d) Nội dung khác có liên quan”.

Về phần tài sản, các thỏa thuận chi tiết bao gồm một trong các thỏa thuận sau:

a) Tài sản giữa vợ và chồng bao gồm tài sản chung và tài sản riêng của vợ, chồng;

b) Giữa vợ và chồng không có tài sản riêng của vợ, chồng mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn hoặc trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc tài sản chung;

c) Giữa vợ và chồng không có tài sản chung mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn và trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc sở hữu riêng của người có được tài sản đó;

d) Xác định theo thỏa thuận khác của vợ chồng”.

Lưu ý: Khi thực hiện chế độ tài sản theo thỏa thuận mà phát sinh những vấn đề chưa được vợ chồng thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì áp dụng quy định của Luật Hôn nhân gia đình và quy định tương ứng của chế độ tài sản luật định.

Khái quát về chế độ tài sản của vợ và chồng theo thỏa thuận và điều kiện có hiệu lực - htlaw.vn

III. Các trường hợp chế độ tài sản của vợ và chồng theo thỏa thuận bị vô hiệu

Căn cứ theo Điều 50 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây

Thứ nhất, không tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch được quy định tại Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan.

Theo quy định tại điều 117 Bộ luật Dân sự 2015:

“1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định”

Mặt khác, tại khoản 1 Điều 8 Luật HN&GĐ 2014 có quy định:

“1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này”.

Như vậy, trong trường hợp nam nữ chưa đủ tuổi kết hôn có thoả thuận về chế độ tài sản vợ chồng thì thoả thuận này sẽ bị vô hiệu. Bởi một trong các bên chưa có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự.

Thứ hai, thoả thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vi phạm một trong các quy định tại các Điều 29, 30, 31 và 32 của Luật HN&GĐ 2014.

Vi phạm một trong những nguyên tắc sau:

Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.

Vợ, chồng có nghĩa vụ bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.

Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng mà xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng, gia đình và của người khác thì phải bồi thường.

Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình

Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt các giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng phải có sự thỏa thuận của vợ chồng. Trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ hoặc chồng thì chủ sở hữu có quyền xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản đó nhưng phải bảo đảm chỗ ở cho vợ chồng.

Trong giao dịch với người thứ ba ngay tình thì vợ, chồng là người đứng tên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó. Trong giao dịch với người thứ ba ngay tình thì vợ, chồng đang chiếm hữu động sản mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó theo quy định về việc bảo vệ người thứ ba ngay tình.

Thứ ba, nội dung của thoả thuận vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình.

Như vậy, với quy định này có thể thấy ba lý do trên để Toà án tuyên bố vô hiệu đối với một thoả thuận về chế độ tài sản giữa vợ và chồng.

IV. Chế độ tài sản theo thỏa thuận trong trường hợp hủy kết hôn trái pháp luật hay chung sống như vợ chồng

Căn cứ Khoản 3, Điều 12 và Điều 16 Luật Hôn nhân và gia đình, trong trường hợp hủy kết hôn trái pháp luật hay giải quyết tranh chấp liên quan quan hệ tài sản của vợ và chồng theo chế độ tài sản thỏa thuận thì hậu quả pháp lý tương tự trường hợp chung sống như vợ chồng:

1. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập”.

Về quan hệ nhân thân: Nhà nước sẽ không thừa nhận hai người kết hôn trái pháp luật là vợ chồng. Vì vậy, giữa họ cũng không tồn tại quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Kể từ ngày quyết định của toà án về việc huỷ kết hôn trái pháp luật có hiệu lực pháp luật, hai bên kết hôn phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng.

Về quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa hai bên kết hôn trái pháp luật: Vì việc kết hôn trái pháp luật bị xử huỷ nên hai người không được thừa nhận là vợ chồng. Do vậy, khi giải quyết huỷ kết hôn trái pháp luật, quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa hai bên được giải quyết như trường hợp các bên nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng.

Theo quy định của BLDS 2015, tài sản riêng của mỗi bên sẽ thuộc về người đó nhưng người có tài sản riêng phải chứng minh được đó là tài sản riêng của mình. Nếu người có tài sản riêng không chứng minh được đó là tài sản riêng của họ thì tài sản này được xác định là tài sản chung của hai người.

Quyền và nghĩa vụ giữa cha, mẹ con: Việc toà án huỷ việc kết hôn trái pháp luật không làm ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con. Bởi vì, quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ và con được pháp luật quy định không phụ thuộc vào tính hợp pháp của quan hệ hôn nhân giữa cha mẹ. Quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con được giải quyết theo quy định về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con khi ly hôn.

Để tiết kiệm thời gian tìm hiểu các thủ tục, điền form mẫu, công chứng, chờ đợi nộp hồ sơ, các bạn có thể liên hệ HT để được tư vấn và hỗ trợ về Luật Hôn nhân và gia đình.

Liên hệ với chúng tôi

    • Email: hue.truong@htlaw.vn
    • SĐT: +84 935 439 454.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.