Contents
I. Nhãn hiệu và màu sắc
Nhãn hiệu là một loại tài sản sở hữu trí tuệ được pháp luật bảo hộ. Theo định nghĩa tại Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019 phải đảm bảo 2 tiêu chí:
(1) nhãn hiệu là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc;
(2) nhãn hiệu phải có khả năng phân biệt.
Như vậy, màu sắc là một trong những yếu tố cấu thành nên nhãn hiệu và góp phần làm tăng khả năng phân biệt về hình thức của nhãn hiệu đó và phải được thể hiện trên mẫu nhãn hiệu trên Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

II. Phạm vi bảo hộ đối với nhãn hiệu đen trắng so với nhãn hiệu màu
Dạng nhãn hiệu đen trắng
Cơ sở bảo hộ nhãn hiệu là Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Do đó, phạm vi bảo hộ nhãn hiệu sẽ phụ thuộc vào mẫu nhãn hiệu đăng ký trong Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Như vậy, đối với nhãn hiệu đen trắng, những màu sắc khác sẽ không nằm trong phạm vi bảo hộ của dạng nhãn hiệu này.
Chủ sở hữu vẫn có thể sử dụng màu sắc khác với màu sắc đã đăng ký bảo hộ mà không làm thay đổi đặc tính phân biệt của nhãn hiệu (theo điểm 2 khoản c Điều 5 Công ước Paris về Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp). Tuy nhiên, vì màu sắc khác không nằm trong phạm vi bảo hộ nhãn hiệu đen trắng nên việc sử dụng nhãn hiệu với màu sắc khác sẽ dẫn đến một số rủi ro như: (i) có thể xâm phạm nhãn hiệu của chủ thể khác; (ii) trong trường hợp có chủ thể khác sử dụng nhãn hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn có sử dụng màu sắc khác thì màu sắc đó sẽ không được xem là yếu tố xem xét sự xâm phạm.
Dạng nhãn hiệu màu sắc (ngoài trắng và đen)
Để bảo hộ nhãn hiệu có chứa màu sắc, chủ sở hữu phải đăng ký mẫu nhãn hiệu có thể hiện màu. Theo đó, màu sắc được đăng ký cũng sẽ được bao gồm trong phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu. Vì vậy, phạm vi bảo hộ của nó rộng và chặt chẽ hơn, có thể giảm thiểu những rủi ro bị xâm phạm nhãn hiệu.
Tuy nhiên, mặc dù phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu màu sắc mạnh hơn nhãn hiệu đen trắng nhưng khi đăng ký nhãn hiệu màu sắc, màu sắc trong Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đã cấu thành “đặc tính phân biệt của nhãn hiệu” được quy định tại Điều 5 Công ước Paris. Do đó, chủ sở hữu sẽ không có được sự linh hoạt trong việc sử dụng màu sắc khác cho nhãn hiệu của mình như đối với nhãn hiệu đen trắng.