Contents
I. Khái quát về Bảo hiểm nhân thọ
Căn cứ Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, Điều 4, Khoản 13: “Bảo hiểm nhân thọ là loại hình bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm sống hoặc chết”.
Điều 4, Khoản 16: “Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là sự thoả thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng.”
Các khái niệm cụ thể trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được quy định chi tiết như sau tại Điều 4, Khoản 24, 25, 26, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022:
“Bên mua bảo hiểm là tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng bảo hiểm với doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô và đóng phí bảo hiểm.”
“Người được bảo hiểm là tổ chức, cá nhân có tài sản, trách nhiệm dân sự, sức khỏe, tính mạng, nghĩa vụ hoặc lợi ích kinh tế được bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm.”
“Người thụ hưởng là tổ chức, cá nhân được bên mua bảo hiểm hoặc người được bảo hiểm chỉ định để nhận tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.”
Như vậy, các nội dung bắt buộc của hợp đồng bảo hiểm được quy định cụ thể như sau:
(Điều 17 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022)
“a) Bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, người thụ hưởng (nếu có), doanh nghiệp bảo hiểm hoặc chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài;
b) Đối tượng bảo hiểm;
c) Số tiền bảo hiểm hoặc giá trị tài sản được bảo hiểm hoặc giới hạn trách nhiệm bảo hiểm;
d) Phạm vi hoặc quyền lợi bảo hiểm; quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm;
đ) Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và bên mua bảo hiểm;
e) Thời hạn bảo hiểm, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm;
g) Mức phí bảo hiểm, phương thức đóng phí bảo hiểm;
h) Phương thức bồi thường, trả tiền bảo hiểm;
i) Phương thức giải quyết tranh chấp.
Pháp luật lúc bấy giờ cũng chi tiết rằng đối tượng của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ suy ra là tuổi thọ và/hoặc tính mạng con người. Cần lưu ý rằng trong trường hợp bên mua bảo hiểm nhân thọ giao kết hợp đồng vì trường hợp chết của người khác thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người đó cũng như cụ thể số tiền thụ hưởng và số tiền bảo hiểm”.

II. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của bên mua bảo hiểm
Bên mua bảo hiểm nhân thọ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trong các trường hợp sau đây:
Thứ nhất, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài không chấp nhận yêu cầu về thay đổi mức độ rủi ro khi có sự thay đổi những yếu tố làm cơ sở để tính phí bảo hiểm dẫn đến giảm các rủi ro được bảo hiểm.
Thứ hai, khi có sự chuyển giao danh mục hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm nếu không chấp nhận sự chuyển giao.
Thứ ba, đối với các hợp đồng bảo hiểm có thời hạn trên 1 năm, trong thời hạn 21 ngày kể từ ngày nhận được hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm có quyền từ chối tiếp tục tham gia bảo hiểm.
III. Hậu quả pháp lý
Trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm bị đơn phương chấm dứt vì lý do không chấp nhận yêu cầu về thay đổi mức độ rủi ro theo yêu cầu của bên mua bảo hiểm thì “doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có trách nhiệm hoàn phí bảo hiểm đã đóng cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có trách nhiệm bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra trước thời điểm đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm”.
Về trường hợp hợp đồng bảo hiểm bị đơn phương chấm dứt vì lý do có sự chuyển giao danh mục bảo hiểm, bên mua bảo hiểm được “nhận lại giá trị hoàn lại hoặc phí bảo hiểm đã đóng tương ứng với thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm phù hợp với từng sản phẩm bảo hiểm. Trường hợp giá trị tài sản thấp hơn so với dự phòng nghiệp vụ của danh mục hợp đồng bảo hiểm được chuyển giao, số tiền bên mua bảo hiểm nhận lại được tính toán trên cơ sở tỷ lệ giữa giá trị tài sản và dự phòng nghiệp vụ của danh mục hợp đồng bảo hiểm được chuyển giao”.
Lưu ý: Giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm sẽ do các bên thỏa thuận và chỉ được áp dụng khi các bên có thỏa thuận.
Mặt khác, trong trường hợp bên mua bảo hiểm không muốn gắn bó với hợp đồng bảo hiểm trong thời 21 ngày từ thời điểm nhận hợp đồng thì “bên mua bảo hiểm có quyền từ chối tiếp tục tham gia bảo hiểm. Trường hợp bên mua bảo hiểm từ chối tiếp tục tham gia bảo hiểm thì hợp đồng bảo hiểm sẽ bị hủy bỏ, bên mua bảo hiểm được hoàn lại phí bảo hiểm đã đóng sau khi trừ đi chi phí hợp lý (nếu có) theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm; doanh nghiệp bảo hiểm không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm”. Song, đây được xem là quyền hủy bỏ hợp đồng hơn là quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và chỉ có hiệu lực đối với hợp đồng bảo hiểm có thời hạn trên 1 năm.