Contents
I. Quy định của pháp luật về đại lý thương mại
Về khái niệm
Theo quy định tại Điều 166 Luật Thương mại 2005 thì đại lý thương mại là:
“Đại lý thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên giao đại lý và bên đại lý thoả thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình mua, bán hàng hoá cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao”.
Từ quy định trên, đại lý thương mại là hoạt động thương mại mà bên đại lý sẽ nhân danh của bên giao đại lý để thực hiện việc mua bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ và được hưởng thù lao.
Về hình thức
Theo quy định tại Điều 169 Luật Thương mại 2005, đại lý thương mại có các hình thức đại lý sau:
“1. Đại lý bao tiêu là hình thức đại lý mà bên đại lý thực hiện việc mua, bán trọn vẹn một khối lượng hàng hoá hoặc cung ứng đầy đủ một dịch vụ cho bên giao đại lý.
2. Đại lý độc quyền là hình thức đại lý mà tại một khu vực địa lý nhất định bên giao đại lý chỉ giao cho một đại lý mua, bán một hoặc một số mặt hàng hoặc cung ứng một hoặc một số loại dịch vụ nhất định.
3. Tổng đại lý mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ là hình thức đại lý mà bên đại lý tổ chức một hệ thống đại lý trực thuộc để thực hiện việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ cho bên giao đại lý.
Tổng đại lý đại diện cho hệ thống đại lý trực thuộc. Các đại lý trực thuộc hoạt động dưới sự quản lý của tổng đại lý và với danh nghĩa của tổng đại lý.
4. Các hình thức đại lý khác mà các bên thỏa thuận”.
Hiện nay, theo quy định sẽ có các hình thức đại lý như: đại lý bao tiêu, đại lý độc quyền, đại lý mua bán hàng hóa cung ứng dịch vụ. Ngoài ra, còn có các hình thức đại lý khác do các bên tự thỏa thuận.
II. Thương nhân Việt Nam có được làm đại lý mua, bán hàng hóa cho thương nhân nước ngoài không?
Theo khoản 1 Điều 50 Nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định việc thương nhân làm đại lý mua, bán hàng hóa cho thương nhân nước ngoài như sau:
“Thương nhân được làm đại lý mua, bán các loại hàng hóa cho thương nhân nước ngoài, trừ hàng hóa thuộc Danh mục cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu. Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo Giấy phép, thương nhân chỉ được ký hợp đồng đại lý sau khi được bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền quản lý cấp Giấy phép”.
Theo quy định trên thì thương nhân Việt Nam được quyền làm đại lý mua, bán hàng hóa cho thương nhân nước ngoài.
Tuy nhiên, các loại hàng hóa này phải không thuộc Danh mục cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu.

III. Thủ tục xuất nhập khẩu và trả lại hàng đối với hàng hóa thuộc hợp đồng đại lý cho thương nân nước ngoài
Theo quy định tại Điều 52 Nghị định 69/2018/NĐ-CP thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thuộc hợp đồng đại lý như sau:
“Hàng hóa thuộc hợp đồng đại lý mua, bán hàng hóa với thương nhân nước ngoài khi xuất khẩu, nhập khẩu phải được làm thủ tục theo đúng quy định như đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu quy định tại Nghị định này”.
Theo đó, hàng hóa thuộc hợp đồng đại lý mua bán hàng hóa với thương nhân nước ngoài sẽ làm thủ tục xuất nhập khẩu theo quy định tại Điều 4 Nghị định 69/2018/NĐ-CP.
Đối với việc trả lại hàng quy định tại Điều 53 Nghị định 69/2018/NĐ-CP như sau:
“Hàng hóa thuộc hợp đồng đại lý bán hàng tại Việt Nam cho thương nhân nước ngoài được tái xuất khẩu nếu không tiêu thụ được tại Việt Nam. Việc hoàn thuế được thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính”.
Thương nhân Việt Nam có quyền tái xuất khẩu hàng hóa thuộc hợp đồng đại lý bán hàng với thương nhân nước ngoài nếu như hàng hóa đó không tiêu thụ được tại Việt Nam.
Để tiết kiệm thời gian tìm hiểu các thủ tục, điền form mẫu, công chứng, chờ đợi nộp hồ sơ, các bạn có thể liên hệ HT để được tư vấn và hỗ trợ về Luật Thương Mại
Liên hệ với chúng tôi
- Email: hue.truong@htlaw.vn
- SĐT: +84 935 439 454.