Tại một số quốc gia phát triển về SHTT như Hoa Kỳ, EU, Úc, Nhật Bản, v.v. việc ghi nhận bảo hộ nhãn hiệu âm thanh đã có từ sớm, kèm theo đó là những quy định rõ ràng về vấn đề bảo hộ này.
Theo WIPO, nhãn hiệu âm thanh có thể bao gồm: những âm thanh là âm nhạc, âm nhạc này có thể là đã tồn tại từ trước, cũng có thể là được sáng tác mới để phục vụ cho mục đích đăng ký nhãn hiệu hoặc những âm thanh không phải là âm nhạc đang tồn tại trong tự nhiên hoặc những âm thanh được tạo ra bởi các thiết bị, máy móc hoặc những phương tiện do con người tạo ra
Tại Hoa Kỳ, nhãn hiệu âm thanh được bảo hộ phải đáp ứng điều kiện ngẫu nhiên, độc đáo, có khả năng phân biệt và có thể được sử dụng nhằm tạo ấn tượng trong tâm trí người nghe và khi bắt gặp lại, người nghe có thể nhận ra rằng một sản phẩm hoặc dịch vụ đó xuất phát từ một nguồn gốc thương mại cụ thể, dù không rõ tên nguồn. Còn EU thì quy định nhãn hiệu âm thanh là dấu hiệu chỉ bao gồm sự tổng hợp của yếu tố âm thanh.
Trong xu thế hội nhập như ngày nay, Quốc hội Việt Nam đã ghi nhận quyền bảo hộ nhãn hiệu âm thanh trong Luật sửa đổi, bổ sung của Luật Sở hữu trí tuệ vào ngày 16/06/2022. Đây là một dấu mốc quan trọng làm tiền đề cho những quy định chi tiết về sau.
I. Điều kiện bảo hộ
Tại Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ đã được sửa đổi, bổ sung, quy định về điều kiện bảo hộ đối với nhãn hiệu âm thanh bao gồm:
(1) dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa;
(2) Có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác.
Về mẫu nhãn hiệu trong hồ sơ đăng ký Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, khoản 34 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung Điều 105 Luật sở hữu trí tuệ yêu cầu nếu nhãn hiệu là âm thanh thì mẫu nhãn hiệu phải là tệp âm thanh và bản thể hiện dưới dạng đồ họa của âm thanh đó”. Hiện nay, pháp luật chưa có quy định chi tiết như thế nào được coi là “dạng đồ họa”.
II. Các trường hợp không được bảo hộ
Ngoài các trường hợp không được bảo hộ do không đáp ứng đủ điều kiện bảo hộ, đối với nhãn hiệu âm thanh, khoản 21 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 73 còn loại trừ trường hợp dấu hiệu âm thanh trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và của các nước, quốc tế ca.
III. Hiệu lực thi hành của quy định
Theo khoản 2 Điều 3 Luật sửa đổi, bổ sung Luật sở hữu trí tuệ, quy định về bảo hộ nhãn hiệu là dấu hiệu âm thanh có hiệu lực thi hành từ ngày 14 tháng 01 năm 2022.
IV. Rủi ro pháp lý
Có thể thấy mặc dù đã có bước tiến ghi nhận việc bảo hộ nhãn hiệu âm thanh nhưng pháp luật vẫn còn bỏ ngõ nhiều vấn đề liên quan đến bảo hộ loại nhãn hiệu này. Do đó phát sinh nhiều rủi ro pháp lý có thể kể đến là việc xâm phạm quyền tác giả của những tác phẩm âm nhạc hay những rào cản trong thủ tục và hồ sơ đăng ký nhãn hiệu xuất phát từ bản chất đặc biệt phức tạp của nhãn hiệu âm thanh.
Để tiết kiệm thời gian tìm hiểu các thủ tục, điền form mẫu, công chứng, chờ đợi nộp hồ sơ, các bạn có thể liên hệ HT để được tư vấn và hỗ trợ dịch vụ Sở hữu trí tuệ.
Liên hệ với chúng tôi
- Email: hue.truong@htlaw.vn
- SĐT: +84 935 439 454.