Để một cơ sở dịch vụ ăn uống nhỏ lẻ đi vào hoạt động thì chủ cơ sở cần phải đáp ứng những điều kiện giấy phép luật định. Tùy vào mô hình và quy mô mà mỗi cơ sở có thể phát sinh thêm những điều kiện giấy phép đặc thù. Nội dung bài viết sau sẽ cung cấp những thông tin tổng quan về các loại giấy phép bắt buộc phải có.
Contents
I. Giấy phép kinh doanh
Một trong những yêu cầu để cơ sở ăn uống thành lập thì phải được cấp phép kinh doanh. Loại hình kinh doanh cụ thể sẽ tùy vào nhu cầu của chủ sở hữu. Có 6 phương án lựa chọn tối ưu bao gồm: Doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn từ hai thành viên trở lên, công ty cổ phần và hộ kinh doanh.
Căn cứ theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020 và Nghị Định 01/2021/NĐ-CP, đối với từng loại hình khác nhau thì hồ sơ có thể khác nhau. Về cơ bản, thành phần hồ sơ sẽ bao gồm Giấy đăng ký thành lập doanh nghiệp/hộ kinh doanh, Điều lệ (không áp dụng đối với hộ kinh doanh), Danh sách thành viên (đối với nhiều thành viên), giấy tờ pháp lý nhân thân, giấy ủy quyền (nếu có) và một số hồ sơ khác theo yêu cầu của cơ quan nhà nước (nếu có).
Về thời hạn giải quyết, không quá năm ngày làm việc từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ.
Cơ quan tiếp nhận hồ sơ: Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và đầu tư nơi cơ sở ăn uống đặt trụ sở kinh doanh.
II. Giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm
Căn cứ theo quy định tại khoản 10 Điều 5 Luật An toàn thực phẩm 2010, một trong những hành vi bị nghiêm cấm khi sản xuất, kinh doanh thực phẩm là không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, căn cứ theo quy định tại khoản 10 Điều 3 và điểm d, khoản 1, Điều 12 Nghị định 15/2018/NĐ-CP đề cập rằng cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ thì không thuộc diện cấp Giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm. Một cách chi tiết, cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ là cơ sở do cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình thực hiện đăng ký hộ kinh doanh và cơ sở không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật.
Vì không thuộc diện phải được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm nên cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ chỉ phải bảo đảm điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo quy định tại Điều 22 Luật An toàn thực phẩm 2010, những điều kiện này bao gồm:
“a) Có khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm;
b) Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
c) Có trang thiết bị phù hợp để sản xuất, kinh doanh thực phẩm không gây độc hại, gây ô nhiễm cho thực phẩm;
d) Sử dụng nguyên liệu, hóa chất, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm trong sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm;
đ) Tuân thủ quy định về sức khỏe, kiến thức và thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
e) Thu gom, xử lý chất thải theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
h) Duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và lưu giữ thông tin liên quan đến việc mua bán bảo đảm truy xuất được nguồn gốc thực phẩm”.
III. Một số giấy phép con khác
Tùy vào mức độ xả thải và diện tích cơ sở mà đơn vị kinh doanh ăn uống nhỏ lẻ có thể sẽ phải đáp ứng điều kiện về đăng ký môi trường hay giấy phép môi trường.
Tùy vào diện tích hay chiều cao của cơ sở mà giấy phép xây dựng có thể được yêu cầu.
Tùy vào kết cấu hay quy mô, cơ sở kinh doanh dịch vụ của bạn có thể sẽ cần xin Xác nhận Phòng cháy chữa cháy của Công an Phường.