Gần đây, HTLaw nhận được một câu hỏi của một người Pháp gốc Việt muốn nhập Quốc tịch Việt Nam nhưng vẫn muốn giữ nguyên Quốc tịch Pháp. Cụ thể, khách hàng này, có cha là người Pháp, mẹ là người Việt Nam, sau một năm về Việt Nam sinh sống thì có ý định nhập Quốc tịch Việt Nam.
Để giải đáp thắc mắc này, HTLaw đã dựa trên những quy định của pháp luật Việt Nam về nhập Quốc tịch Việt Nam của người nước ngoài và đưa ra những ý kiến pháp lý sau đây:
– Theo khoản 2 Điều 16 Luật Quốc tịch Việt Nam 24/2008/QH12 “Trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài thì có quốc tịch Việt Nam, nếu có sự thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con.”
Vì vậy, sau khi kiểm tra giấy khai sinh được đăng ký tại Pháp chúng tôi nhận thấy không có văn bản thỏa thuận hoặc nội dung thoả thuận nào giữa cha mẹ của khách hàng về việc con giữ quốc tịch Việt Nam.
– Theo Điều 9 Nghị định số 16/2020/NĐ-CP quy định về trường hợp đặc biệt xin nhập quốc tịch Việt Nam đồng thời xin giữ quốc tịch nước ngoài theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam, để được xem là trường hợp đặc biệt này thì phải có đầy đủ các điều kiện sau đây:
- Có đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam.
- Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam và việc nhập quốc tịch đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài là có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
- Việc xin giữ quốc tịch nước ngoài của người đó khi nhập quốc tịch Việt Nam là phù hợp với pháp luật của nước ngoài đó.
- Việc thôi quốc tịch nước ngoài dẫn đến quyền lợi của người đó ở nước ngoài bị ảnh hưởng.
- Không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Lưu ý: Để giải thích cho khoản 2 về người có công lao đặc biệt thì người này phải là người được tặng thưởng Huân chương, Huy chương, danh hiệu cao quý khác của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam xác nhận về công lao đặc biệt đó.
Căn cứ vào những quy định trên thì hồ sơ của khách hàng được xét thấy không đáp ứng được điều kiện để giữ quốc tịch Pháp nếu nộp hồ sơ Nhập quốc tịch tại Việt Nam (trừ trường hợp có văn bản xác minh sự thoả thuận giữa cha mẹ khách hàng về việc được giữ quốc tịch Việt Nam vào thời điểm làm giấy khai sinh).
Vì vậy, kết luận của Công ty Đầu Tư & Di Trú HT là khách hàng không thể có đồng thời hai quốc tịch Pháp- Việt.
Để tiết kiệm thời gian tìm hiểu các thủ tục, điền form mẫu, công chứng, chờ đợi nộp hồ sơ, các bạn có thể liên hệ HTLaw để được tư vấn và hỗ trợ dịch vụ Nhập quốc tịch Việt Nam.
Liên hệ với chúng tôi
-
- Email: hue.truong@htlaw.vn
- SĐT: +84 935 439 454.