GIẤY PHÉP ĐỐI VỚI HÓA CHẤT
Hiện nay, sản xuất và kinh doanh hóa chất là ngành khó và phức tạp, nên được pháp luật Việt Nam quy định cụ thể tại Luật hóa chất và các văn bản pháp luật chuyên ngành. Nhằm giúp bạn đọc có cái nhìn tổng quan về ngành nghề nêu trên, HT xin tổng hợp những quy định pháp luật về hóa chất trong văn bản dưới đây:
PHẦN 1: GIẤY PHÉP ĐỐI VỚI HÓA CHẤT KHÔNG BỊ HẠN CHẾ
I. Điều kiện sản xuất hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp
1. Là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật, có ngành nghề sản xuất hóa chất;
2. Cơ sở vật chất – kỹ thuật phải đáp ứng yêu cầu cụ thể như sau:
2.1 Yêu cầu đối với nhà xưởng, kho chứa
a. Nhà xưởng phải đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, phù hợp với tính chất, quy mô và công nghệ sản xuất, lưu trữ hóa chất.
b. Nhà xưởng, kho chứa phải có lối, cửa thoát hiểm. Lối thoát hiểm phải được chỉ dẫn rõ ràng bằng bảng hiệu, đèn báo và được thiết kế thuận lợi cho việc thoát hiểm, cứu hộ, cứu nạn trong trường hợp khẩn cấp.
c. Hệ thống thông gió của nhà xưởng, kho chứa phải đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về hệ thống thông gió.
d. Hệ thống chiếu sáng đảm bảo theo quy định để đáp ứng yêu cầu sản xuất, lưu trữ hóa chất. Thiết bị điện trong nhà xưởng, kho chứa có hóa chất dễ cháy, nổ phải đáp ứng các tiêu chuẩn về phòng, chống cháy, nổ.
đ. Sàn nhà xưởng, kho chứa hóa chất phải chịu được hóa chất, tải trọng, không gây trơn trượt, có rãnh thu gom và thoát nước tốt.
e. Nhà xưởng, kho chứa hóa chất phải có bảng nội quy về an toàn hóa chất, có biển báo nguy hiểm phù hợp với mức độ nguy hiểm của hóa chất, treo ở nơi dễ thấy. Các biển báo thể hiện các đặc tính nguy hiểm của hóa chất phải có các thông tin: Mã nhận dạng hóa chất; hình đồ cảnh báo, từ cảnh báo, cảnh báo nguy cơ. Trường hợp hóa chất có nhiều đặc tính nguy hiểm khác nhau thì hình đồ cảnh báo phải thể hiện đầy đủ các đặc tính nguy hiểm đó. Tại khu vực sản xuất có hóa chất nguy hiểm phải có bảng hướng dẫn cụ thể về quy trình thao tác an toàn ở vị trí dễ đọc, dễ thấy.
g. Nhà xưởng, kho chứa phải có hệ thống thu lôi chống sét hoặc nằm trong khu vực được chống sét an toàn và được định kỳ kiểm tra theo các quy định hiện hành.
h. Đối với bồn chứa ngoài trời phải xây đê bao hoặc các biện pháp kỹ thuật khác để đảm bảo hóa chất không thoát ra môi trường khi xảy ra sự cố hóa chất và có biện pháp phòng chống cháy nổ, chống sét.
i. Nhà xưởng, kho chứa phải đáp ứng đủ các điều kiện về phòng, chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, an toàn và vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật có liên quan.
2.2 Yêu cầu đối với công nghệ, thiết bị, dụng cụ, bao bì
a. Công nghệ sản xuất hóa chất được lựa chọn đảm bảo giảm thiểu nguy cơ gây sự cố hóa chất, ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ.
b. Thiết bị kỹ thuật phải đạt yêu cầu chung về an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, phù hợp với chủng loại hóa chất và quy trình công nghệ, đáp ứng được công suất sản xuất, quy mô kinh doanh. Máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động và thiết bị đo lường thử nghiệm phải được kiểm định, hiệu chuẩn, hiệu chỉnh, bảo dưỡng theo quy định hiện hành về kiểm định máy móc, thiết bị.
2.3 Yêu cầu đối với bảo quản, vận chuyển hóa chất
a. Các hóa chất nguy hiểm phải được phân khu, sắp xếp theo tính chất của từng loại hóa chất. Không được bảo quản chung các hóa chất có khả năng phản ứng với nhau hoặc có yêu cầu về an toàn hóa chất, phòng, chống cháy nổ khác nhau trong cùng một khu vực.
b. Hóa chất trong kho phải được bảo quản theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành, đảm bảo yêu cầu an toàn, thuận lợi cho công tác ứng phó sự cố hóa chất.
3. Diện tích nhà xưởng, kho chứa phải đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Cơ sở sản xuất có đủ diện tích để bố trí dây chuyền sản xuất phù hợp với công suất thiết kế, đảm bảo các công đoạn sản xuất, đáp ứng yêu cầu công nghệ;
4. Giám đốc hoặc Phó Giám đốc kỹ thuật hoặc cán bộ kỹ thuật phụ trách hoạt động sản xuất hóa chất phải có bằng đại học trở lên về chuyên ngành hóa chất;
5. Các đối tượng quy định tại Điều 32 của Nghị định này phải được huấn luyện an toàn hóa chất.
Tổ chức, cá nhân chỉ được sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện và có trách nhiệm duy trì đủ điều kiện quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này trong suốt quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trường hợp tổ chức, cá nhân không còn đáp ứng đủ điều kiện sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận theo quy định tại khoản 2 Điều 18 của Luật hóa chất.
II. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất
a) Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp theo mẫu quy định tại khoản 7 Điều này;
b) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh;
c) Bản sao Quyết định phê duyệt hoặc văn bản xác nhận các tài liệu liên quan đến bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành;
d) Bản sao Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy và văn bản chấp thuận nghiệm thu hệ thống phòng cháy và chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền đối với từng cơ sở sản xuất thuộc đối tượng phải thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy;
Biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy hoặc văn bản của cơ quan có thẩm quyền chứng minh đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với từng cơ sở sản xuất không thuộc đối tượng bắt buộc phải thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy;
đ) Bản vẽ tổng thể hệ thống mặt bằng nhà xưởng, kho chứa, nội dung bản vẽ phải đảm bảo các thông tin về vị trí nhà xưởng, kho tàng, khu vực chứa hóa chất, diện tích và đường vào nhà xưởng, khu vực sản xuất và kho hóa chất; Bản sao giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đối với thửa đất xây dựng nhà xưởng, kho chứa hoặc Hợp đồng thuê nhà xưởng, kho chứa.
e) Bản kê khai thiết bị kỹ thuật, trang bị phòng hộ lao động và an toàn của cơ sở sản xuất hóa chất;
g) Bản sao bằng đại học trở lên chuyên ngành hóa chất của Giám đốc hoặc Phó Giám đốc kỹ thuật hoặc cán bộ kỹ thuật phụ trách hoạt động sản xuất hóa chất của cơ sở sản xuất;
h) Bản sao hồ sơ huấn luyện an toàn hóa chất theo quy định tại khoản 4 Điều 34 của Nghị định này;
i) Phiếu an toàn hóa chất của các hóa chất nguy hiểm trong cơ sở sản xuất theo quy định.
III. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh
a) Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp theo mẫu quy định tại khoản 7 Điều này;
b) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh;
c) Bản kê khai về từng địa điểm kinh doanh;
d) Bản sao Quyết định phê duyệt hoặc văn bản xác nhận các tài liệu liên quan đến bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành;
đ) Bản sao Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền đối với từng kho chứa hóa chất thuộc đối tượng phải thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy;
Biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy hoặc văn bản của cơ quan có thẩm quyền chứng minh đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với từng kho chứa hóa chất không thuộc đối tượng bắt buộc phải thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy;
e) Bản vẽ tổng thể hệ thống mặt bằng của từng địa điểm kinh doanh, nội dung bản vẽ phải đảm bảo các thông tin về vị trí kho chứa, khu vực chứa hóa chất, diện tích và đường vào khu vực kho hóa chất; Bản sao giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đối với thửa đất xây dựng kho chứa hoặc Hợp đồng thuê kho đối với trường hợp thuê kho lưu trữ hoặc Hợp đồng hay thỏa thuận mua bán hóa chất trong trường hợp sử dụng kho của tổ chức, cá nhân mua hoặc bán hóa chất;
g) Bản kê khai thiết bị kỹ thuật, trang bị phòng hộ lao động và an toàn của từng địa điểm kinh doanh hóa chất;
h) Bản sao bằng trung cấp trở lên về chuyên ngành hóa chất của người phụ trách về an toàn hóa chất;
i) Bản sao hồ sơ huấn luyện an toàn hóa chất theo quy định tại khoản 4 Điều 34 của Nghị định này;
k) Phiếu an toàn hóa chất của các hóa chất nguy hiểm trong cơ sở kinh doanh theo quy định.
IV. Trình tự, thủ tục thẩm định, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện
a) Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện lập 01 bộ hồ sơ gửi qua đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đến cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại khoản 6 Điều này;
b) Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ và hợp lệ, trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan cấp Giấy chứng nhận thông báo để tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ. Thời gian hoàn chỉnh hồ sơ không được tính vào thời gian cấp Giấy chứng nhận quy định tại điểm c khoản này;
c) Trong thời hạn 12 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, cơ quan cấp Giấy chứng nhận có trách nhiệm xem xét, thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cho tổ chức, cá nhân, đồng thời gửi 01 bản cho Sở Công Thương nơi tổ chức, cá nhân đăng ký trụ sở chính. Mẫu Giấy chứng nhận được quy định tại Phụ lục VI của Nghị định này. Trường hợp không cấp Giấy chứng nhận, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.
V. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện
a) Trường hợp Giấy chứng nhận đủ điều kiện bị mất, sai sót, hư hỏng hoặc có thay đổi về thông tin đăng ký thành lập của tổ chức, cá nhân, tổ chức, cá nhân lập 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận và gửi cơ quan cấp Giấy chứng nhận qua đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến;
b) Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận bao gồm: Văn bản đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận; bản chính Giấy chứng nhận đã được cấp trong trường hợp Giấy chứng nhận bị sai sót hoặc có thay đổi về thông tin của tổ chức, cá nhân; phần bản chính còn lại có thể nhận dạng được của Giấy chứng nhận trong trường hợp Giấy chứng nhận bị hư hỏng;
c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan cấp Giấy chứng nhận kiểm tra, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện cho tổ chức, cá nhân, đồng thời gửi 01 bản cho Sở Công Thương nơi tổ chức, cá nhân đăng ký trụ sở chính. Trường hợp không cấp lại Giấy chứng nhận, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.
VI. Hồ sơ, trình tự, thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đủ điều kiện
a) Trường hợp có thay đổi địa điểm cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất; loại hình, quy mô, chủng loại hóa chất sản xuất, kinh doanh, tổ chức, cá nhân lập 01 bộ hồ sơ đề nghị điều chỉnh Giấy chứng nhận và gửi cơ quan cấp Giấy chứng nhận qua đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến;
b) Hồ sơ đề nghị điều chỉnh Giấy chứng nhận bao gồm: Văn bản đề nghị điều chỉnh Giấy chứng nhận đủ điều kiện; bản chính Giấy chứng nhận đủ điều kiện đã được cấp; giấy tờ, tài liệu chứng minh việc đáp ứng được điều kiện sản xuất, kinh doanh đối với các nội dung điều chỉnh;
c) Trình tự, thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận thực hiện như cấp mới Giấy chứng nhận.
VII. Thẩm quyền
Sở Công Thương nơi tổ chức, cá nhân đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm thẩm định và cấp, cấp lại, điều chỉnh Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp cho tổ chức, cá nhân; thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện của tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý.
PHẦN 2: GIẤY PHÉP ĐỐI VỚI HÓA CHẤT BỊ HẠN CHẾ
I. Hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp
Hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp bao gồm:
1. Chất có trong Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp được ban hành tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này.
2. Hỗn hợp chất chứa các chất có trong Phụ lục II kèm theo Nghị định này được phân loại theo quy định tại Điều 23 của Nghị định này thuộc ít nhất một trong các nhóm phân loại sau đây:
a) Độc cấp tính (theo các đường phơi nhiễm khác nhau) cấp 1;
b) Tác nhân gây ung thư cấp 1A, 1B;
c) Độc tính sinh sản cấp 1A, 1B;
d) Đột biến tế bào mầm cấp 1A, 1B.
=> Hóa chất bị hạn chế cần đề nghị cấp Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp
II. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép sản xuất
a) Văn bản đề nghị cấp Giấy phép sản xuất hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh theo mẫu quy định tại khoản 7 Điều này;
b) Các giấy tờ quy định từ điểm b đến điểm i khoản 1 Điều 10 của Nghị định này;
c) Thuyết minh quy trình công nghệ sản xuất hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh.
III. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh
a) Văn bản đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh theo mẫu quy định tại khoản 7 Điều này;
b) Các giấy tờ quy định từ điểm b đến điểm k khoản 2 Điều 10 của Nghị định này;
c) Bản giải trình kế hoạch kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân đăng ký cấp Giấy phép.
IV. Trình tự, thủ tục thẩm định, cấp Giấy phép
a) Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh lập 01 bộ hồ sơ gửi qua đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp hoặc hệ thống dịch vụ công trực tuyến đến cơ quan cấp phép;
b) Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ và hợp lệ, trong vòng 03 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan cấp phép thông báo để tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ. Thời gian hoàn chỉnh hồ sơ không được tính vào thời gian cấp phép quy định tại điểm c khoản này;
c) Trong thời hạn 16 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, cơ quan cấp phép có trách nhiệm xem xét, thẩm định hồ sơ, kiểm tra điều kiện thực tế và cấp Giấy phép cho tổ chức, cá nhân. Mẫu Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp được quy định tại Phụ lục VI của Nghị định này. Trường hợp không cấp Giấy phép, cơ quan có thẩm quyền cấp phép phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.
V. Thẩm quyền
a) Bộ Công Thương có trách nhiệm tổ chức thẩm định và cấp, cấp lại, điều chỉnh Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp; quy định các biểu mẫu hồ sơ quy định tại Điều này; xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc thanh tra, kiểm tra đột xuất khi cần thiết hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp;
b) Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định liên quan đến quá trình hoạt động hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý, báo cáo kết quả kiểm tra tới Bộ Công Thương. Trường hợp tổ chức, cá nhân không còn đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 15 của Nghị định này, Sở Công Thương kiến nghị Bộ Công Thương để xem xét, xử lý.
Để tiết kiệm thời gian tìm hiểu các thủ tục, điền form mẫu, dịch thuật công chứng, chờ đợi nộp hồ sơ, các bạn có thể liên hệ HT để được tư vấn và hỗ trợ dịch vụ Đăng ký giấy phép hóa chất.
Liên hệ với chúng tôi
-
- Email: hue.truong@htlaw.vn
- SĐT: +84 935 439 454.